Tại sao trẻ em lại đi học?
Trẻ con sinh ra với mong muốn về những điều vĩ đại và lớn lao chúng có thể làm và trở thành. Chúng tin vào những điều thần kỳ và huyền bí, tin vào những điều tốt đẹp và sự công bằng: rằng người nhân hậu thì sẽ luôn gặp được điều lành. Nhưng liệu cuộc sống có thực sự diễn ra như vậy? Những cái kết có hậu trong các câu chuyện cổ tích, những lời nói dối của người lớn để làm vui lòng trí tưởng tượng bay bổng của chúng đã vô tình tiếp thêm cho chúng niềm tin rằng: mình được sinh ra với một sứ mệnh đặc biệt để trở thành người hùng tiêu diệt cái ác; trở thành nàng công chúa xinh đẹp và gặp được bạch mã hoàng tử; ... Hơn thế nữa chúng tin rằng luôn có những thiên thần tốt bụng sẽ ban phát cho chúng thật nhiều điều ước; hay một bà tiên luôn xuất hiện khi chúng gặp khó khăn... – Chúng tin rằng tất cả những ước mơ và khao khát của chúng sẽ không chỉ dừng lại ở mơ ước mà sẽ trở thành hiện thực.
Những đứa trẻ chưa nhận ra rằng cuộc đời không phải lúc nào cũng như ý ta muốn mà còn có những khó khăn và trở ngại không thể nào tránh được, chẳng hạn như thời tiết – không phải ngày nào cũng là một ngày lý tưởng để cắm trại hay đi biển. Trẻ con chưa nhận ra rằng cuộc sống không phải như những giấc mơ hay chuyện cổ tích. Để hiểu được điều này chúng cần phải trải nghiệm để biết thực sự cuộc sống diễn ra như thế nào hay mối quan hệ giữa người với người là gì, ... Và một trong những cách để giúp trẻ em trải nghiệm và có được cái nhìn đầu tiên vào cuộc đời đó là để chúng tới trường – ở đó chúng sẽ gặp và tiếp xúc thường xuyên với những người không phải là người chúng quen biết – những người có thể chấp nhận bỏ qua những lời vòi vĩnh và la hét của chúng, còn những người ở đây thì chưa chắc; những quy tắc mà chúng phải tuân theo nếu không muốn bị phạt; hay việc cạnh tranh với người khác để dành được quyền lợi và phần thưởng, ... – một phần của thế giới thực mở ra trước mắt chúng.
Có lẽ việc giáo dục ở trường là nhắm chuẩn bị và giúp những đứa trẻ sẵn sàng hơn một chút trước khi bước vào đời – lúc chúng bắt đầu tự chịu trách nhiệm với cuộc sống của riêng mình.
Cre: Pinterest |
Bạn có còn nhớ những gì đã được học ở trường không? Và lý do chúng ta học chúng?
Phải nói là tôi không nhớ được hết những thứ được học ở trường. Những thứ còn sót lại không nhiều nên điều đầu tiên tôi nghĩ đến là để chúng ta học chữ, học đọc, học nói và viết ngôn ngữ mẹ đẻ của mình. Tất nhiên việc biết chữ, đọc và viết giúp tôi rất nhiều và tôi nghĩ đối với bạn cũng vậy – nó giúp ta có thể nói ra những gì ta muốn nói, hiểu những gì người khác nói với mình (đúng là không phải tất cả nhưng cũng cũng được phần nào đó) và có thể đọc được những cuốn sách hay...
Ở trường, chúng ta cũng được học nhiều môn học khác như số học, địa lý, lịch sử, âm nhạc và mỹ thuật... không thể phủ nhận việc biết và hiểu về chúng không phải là không thú vị và cũng không phải là không có ích gì trong cuộc sống của ta. Nhưng không có nghĩa là ta cần phải giỏi tất cả chúng và cũng không nhất thiết phải biết về tất cả chúng thì ta mới là người có hiểu biết. Cũng như không phải cứ ghi nhớ nhiều lý thuyết hay đạt điểm cao trong các kỳ thi đồng nghĩa với việc ta có thể làm được việc đó và làm tốt khi thực sự làm nó. Chẳng bài kiểm tra nào có thể định nghĩa được ta là ai, nó chỉ có thể cho ta biết ta là cái gì trong xã hội này. Bởi tuỳ mỗi người mà mỗi loại tri thức có mức độ cần thiết khác nhau. Nên việc hiểu nhiều hay hiểu ít thậm chí không hiểu gì có lẽ cũng phụ thuộc vào sự cần thiết đó. Giống như đối với mỗi nghề nghiệp để có thể làm tốt chúng ngoài kinh nghiệm thì nó cũng thường đòi hỏi ở người làm một lượng kiến thức chuyên môn nhất định.
Tri thức và việc biết là khác nhau. Tri thức là thông tin, biết là thấu hiểu. Tri thức là thu thập từ bên ngoài, biết là sự trưởng thành từ bên trong. Tri thức được vay mượn, biết là của bạn, đích thực là của bạn. Tri thức thì được học, biết thì không được học từ bất cứ ai.
Bạn phải trở nên tỉnh giác hơn để có thể nhìn thấy nhiều hơn, cảm thấy nhiều hơn, hiện hữu nhiều hơn. Biết là hiện sinh, tri thức chỉ là sự tích lũy bên ngoài. _ Osho
Hiểu những gì sách nói là một chuyện. Nhưng từ chỗ thấu hiểu cho đến chỗ làm được còn phải vượt qua cả một quãng đường dài. Thế nên việc có một người thầy hướng dẫn sẽ giúp ta rút ngắn hành trình này đi ít nhiều – thầy sẽ dạy ta cách suy luận, việc tự học và biết vận dụng những gì được học vào cuộc sống của ta.
"Những lời dạy có giá trị riêng của nó, nhưng cái quý giá trong những lời dạy này chính là những ý tưởng.
Các ý tưởng phải được ngộ ra, nhưng ý tưởng không thể diễn tả bằng lời. Do đó, những gì quý giá nhất trong thiên hạ không thể được truyền đạt thông qua sách vở." _ Trang Tử.
Điều quan trọng mà một người thầy có thể truyền dạy cho học trò của mình là khuyến khích anh ta tự mình học và tự trải nghiệm. Bởi sẽ đến lúc, anh ta cũng phải rời bỏ ngôi trường mà anh ta đã theo học, hay chia tay người thầy của mình. Lúc này con đường học tập tiếp theo sẽ do chính chúng ta "dạy" mình qua các trải nghiệm, qua các khó khăn và thất bại... mà ở trường hay chính thầy cô cũng không thể truyền dạy được cho ta.
Thầy, trong con đường phát triển và trưởng thành, tuy cần, nhưng chỉ cần lúc ban đầu mà thôi. Với một người quả quyết rằng phải cần có thầy để giúp họ phát triển, Krisnamurti, nhà Đạo học Ấn Độ hiện đại đã dí hỏm hỏi người đó: “Bạn bảo rằng bạn cần phải có tôn sư dẫn dắt đường lối để phát triển. Nhưng nếu bạn không biết đi như thế nào, thì làm cách nào bạn chắc chắn ông ấy đã dẫn bạn vào đúng chỗ? Và nếu bạn biết chắc là đúng, thì bạn cần gì phải nhờ người dẫn dắt cho!”
Isabella Duong
Comments
Post a Comment